LINK ANH

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Công nghệ thông tin có vai trò quan trọng với sự phát triển ngành Logistics Việt Nam



Khi nước ta thực hiện TPP và các FTA thế hệ mới thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của ngành Dịch vụ logistics nói riêng là hết sức quan trọng trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thị trường mở cửa.



Hệ thống cơ sở hạ tầng logistics bao gồm cơ sở hạ tầng vật lý (physical infrastructure) như hệ thống giao thông, cầu cảng… và cơ sở hạ tầng mềm (soft infrastructure) như nguồn nhân lực, hệ thống chính sách, luật lệ, thủ tục… Để phát triển, quản lý tốt và hiệu quả tất cả hệ thống hạ tầng đó, không thể không quan tâm vấn đề ứng dụng CNTT. Cơ sở hạ tầng mềm kỹ thuật số (digital soft infrastructure) đóng vai trò rất quan trọng đối với thương mại trong thế kỷ 21 bởi các thông tin về sự di chuyển của hàng hóa hiện nay hết sức quan trọng.



Để nâng cao tính cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ logistics, doanh nghiệp phải đổi mới cách lãnh đạo hướng về khách hàng cho phù hợp, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cải tiến công nghệ, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Các yếu tố liên quan đến tính cạnh tranh của dịch vụ logistics trong điều kiện hội nhập, bao gồm phạm vi cung cấp có thể thực hiện nhiều hoạt động logistics thông qua áp dụng đổi mới công nghệ; giao hàng hiệu quả, đúng thời gian nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và tính hiệu quả của chi phí khi vận chuyển hàng hóa trên phạm vi rộng cũng như thời gian lưu trữ hàng hóa; khả năng phát triển các dịch vụ mới thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.

Từ mô hình ứng dụng CNTT ở Singapore và Hongkong


Toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới làm giao thương giữa các quốc gia, các khu vực phát triển mạnh mẽ, tất yếu sẽ kéo theo những nhu cầu mới về vận tải, kho bãi, các dịch vụ phụ trợ…, dẫn đến bước phát triển của logistics toàn cầu (global logistics). Theo dự báo, trong vài thập niên đầu thế kỷ 21, một trong ba xu hướng phát triển chính của logistics toàn cầu là logistics điện tử (e-logistics). Mạng thông tin toàn cầu đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu.


Quản trị hậu cần là một lĩnh vực phức tạp với chi phí lớn nhưng lại là yếu tố chủ đạo, quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp trong thương mại điện tử. Một hệ thống hậu cần hoàn chỉnh, tương thích với các qui trình của thương mại điện tử, đáp ứng được những đòi hỏi của khách hàng trong thời đại CNTT là yếu tố quyết định thành công trong kinh doanh. Vì vậy, ứng dụng CNTT, thương mại điện tử như hệ thống thông tin quản trị dây chuyền cung ứng toàn cầu, công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến... đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong kinh doanh. Thông tin được truyền càng nhanh và chính xác thì các quyết định trong hệ thống logistics càng hiệu quả.


Chẳng hạn, nghiên cứu sự phát triển của hệ thống cảng biển Singapore và HongKong, những nơi đã và đang thống trị trong danh sách những cảng biển container nhộn nhịp nhất thế giới trong vài thập kỷ qua, có thể nhận ra rằng: Họ đạt được sự thành công một phần lớn nhờ vào việc ưu tiên ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và khai thác cảng biển từ rất sớm.


Khả năng tàu container xếp dỡ hàng nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ được các công ty quản lý (cảng vụ) và nhà khai thác cảng biển sử dụng. Singapore và HongKong đã dùng công nghệ để giúp chủ tàu hoạch định toàn bộ tiến trình, làm thế nào để xếp dỡ hàng, vận chuyển hàng đến hay đi khỏi bãi, thậm chí là xếp container như thế nào và làm sao cho tối ưu. Trong khi đó, các cảng vụ dựa vào công nghệ để giám sát sự an toàn của vùng biển và giải quyết giấy tờ để tàu có thể ra vào cảng nhanh chóng và dễ dàng.


Từ tháng 4.1999, cơ quan cảng biển Singapore (MPA) đã phát triển và đưa vào sử dụng hệ thống Marinet, cho phép cộng đồng vận tải biển khai báo trực tuyến cho MPA những nội dung theo quy định như thời gian đến và đi của tàu, hàng hóa có tính chất nguy hiểm… Quá trình xử lý và xác thực thông tin được tiến hành trên mạng và việc cho phép xác thực được thực hiện ngay trong lần giao dịch đầu tiên. Cơ quan hàng hải HongKong cũng triển khai một hệ thống tương tự gọi là hệ thống kinh doanh điện tử (EBS) từ tháng 12.2003.


CNTT còn được dùng để cải thiện việc giám sát tàu ở cảng. Các cảng biển ở Singapore và HongKong hiện đang sử dụng những hệ thống ra-đa và các hệ thống liên lạc tiên tiến khác để giám sát tàu. Cả hai công ty khai thác cảng lớn nhất là PSA Singapore Terminals và Hongkong International Terminals (HIT) đều ứng dụng những hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử để giấy tờ được nộp nhanh hơn. Ngoài ra, họ cũng dùng các hệ thống CNTT để hỗ trợ trong việc xếp dỡ, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa.



Hiện trạng của việc áp dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay



Hiện nay, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn kém xa so với trình độ quốc tế. Chỉ xét về khía cạnh xây dựng website cũng có thể thấy phần lớn website của doanh nghiệp VN chỉ đơn thuần giới thiệu về mình, về dịch vụ của mình, thiếu hẳn các tiện ích và tương tác mà khách hàng rất cần như công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi lịch trình tàu, theo dõi chứng từ... Đây là những yếu tố được các chủ hàng đánh giá rất cao khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics cho mình.


Theo đánh giá của VIFFAS, trình độ công nghệ trong hoạt động logistics ở VN còn thấp. Việc liên lạc giữa công ty logistics với khách hàng, hải quan chủ yếu vẫn là thủ công, giấy tờ. Mặc dù những năm 2010-2011 được ghi nhận có bước đột phá trong thực hiện khai hải quan điện tử, số lượng doanh nghiệp tham gia vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, phương tiện vận tải còn lac hậu, cũ kỹ, trình độ cơ giới hóa trong bốc dỡ hàng hóa vẫn còn yếu kém, lao động thủ công vẫn phổ biến. Công tác lưu kho còn khá lạc hậu, chưa áp dụng phổ biến tin học trong quản trị kho như mã vạch, chương trình phần mềm quản trị kho.


Theo thông tin của Viện Công nghệ châu Á tại một hội thảo ở TP. Hải Phòng mới đây, hiện nay trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ERP (Hệ thống theo dõi phối hợp nguồn lực của doanh nghiệp), 17% sử dụng EDI (Truyền dữ liệu điện tử), 17% sử dụng TMS (Cài đặt hệ thống quản trị vận tải), 17% sử dụng Barcodes/WMS (Lắp đặt hệ thống mã vạch/phần mềm quản trị kho bãi), 29% cài đặt GPS (Hệ thống định vị toàn cầu). Trong khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phục vụ cho việc xây dựng Chương trình hành động logistics quốc gia cũng cho kết quả gần tương tự về việc áp dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam.


Kết quả một cuộc điều tra của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, việc sử dụng phần mềm quản lý kho bãi và cơ sở bán hàng ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều rất thấp (23,3% ở tỉnh Hải Dương; 30,3% tại Đà Nẵng; Hà Nội 32,7% và cao nhất là TP.HCM cũng chỉ đạt 39,3%). Một khảo sát khác của tổ chức tư vấn SMC cũng chỉ ra kết quả tương tự với hệ thống CNTT của 45% nhà cung cấp không đạt yêu cầu. Những hạn chế này đang làm cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh vất vả với các doanh nghiệp nước ngoài.


Sở dĩ có tình trạng này, trước hết là các doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về tác động của công nghệ thông tin trong môi trường cạnh tranh. Đại đa số trong khoảng 1.300 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp bị hạn chế trong quy mô sản xuất, nguồn tài chính không dồi dào trong khi đầu tư công nghệ thông tin đòi hỏi chi phí cao, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, nguồn nhân lực sử dụng công nghệ thông tin còn mỏng và thiếu kỹ năng về công nghệ, vốn đầu tư phát triển công nghệ thông tin quá nhỏ trong khi có nhiều loại công nghệ có thể áp dụng vào các hoạt động logistics, cần tìm giải pháp công nghệ phù hợp với trình độ và phạm vi kinh doanh. Khoảng 29 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động và chiếm phần lớn thị trường dịch vụ logistics Việt Nam lại có lợi thế hơn chúng ta về các mặt trên đây.



Một số khuyến nghị áp dụng công nghệ thông tin


Qua các khảo sát và nghiên cứu của các tác giả Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh thì việc doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics được hỏi cho biết sẽ tăng lợi nhuận công ty và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng; khoảng 58% doanh nghiệp cho rằng sẽ giảm chi phí cung cấp dịch vụ; khoảng 70% doanh nghiệp cho biết cải thiện rõ rệt khả năng cạnh tranh và hơn 67% doanh nghiệp cho rằng sẽ hạn chế sai sót của nhân viên trong công việc, tăng độ chính xác và tin cậy, giúp lãnh đạo công ty quản lý tốt hơn.


Để phát huy kết quả đó, đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam cần nhanh chóng xem xét đầu tư phát triển công nghệ trong kinh doanh của mình. Cụ thể:

* Cần nâng cao nhận thức về vai trò và tác dụng của việc áp dụng công nghệ thông tin. Sử dụng công nghệ phù hợp với trình độ và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, trước hết tập trung vào phần mềm cho hoạt động tài chính, quản lý nguồn nhân lực, hỗ trợ quản lý kho hàng và vận chuyển, quan hệ khách hàng, quản trị doanh nghiệp.


Ngoài 5 công nghệ đã nêu trên, hiện nay trên thế giới, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics toàn cầu còn áp dụng các công nghệ khác như: Truyền thông dữ liệu di động (Mobile data Communication), Hệ thống kiểm soát thiết bị và container (Container & Equipment Control System), Hệ thống theo dõi lưu kho bãi container (Container Storage Planning System), Phần mềm về hành trình (Routing Software), Hệ thống tìm hàng tự động (Automatic Picking System), Quy trình quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management CRM)… Đây là những công nghệ mà các doanh nghiệp cần nghiên cứu và áp dụng khi có yêu cầu và điều kiện.



* Mạnh dạn dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc phát triển công nghệ thông tin theo một chương trình dài hạn;



* Thường xuyên tổ chức hiệu quả công tác đào tạo nhân viên trong việc sử dụng công nghệ thông tin một cách hữu hiệu;



* Nghiên cứu, hợp tác sử dụng công nghệ phù hợp với trình độ công nghệ của khách hàng, nhất là khách hàng chính;



* Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ việc áp dụng công nghệ cả tầm vĩ mô lẫn vi mô; có sự áp dụng công nghệ và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan của Chính phủ, ví dụ trong công tác khai báo hải quan, nộp thuế, thủ tục kiểm tra liên ngành, thủ tục tại các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới, qua đó giảm thời gian làm thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài…



Chỉ với CNTT, liên lạc hiện đại làm nền tảng cho dịch vụ logistics 3PL, các doanh nghiệp VN mới có thể cạnh tranh được với các công ty 3PL lớn trên thế giới đã có mặt tại VN. Hiện nay, có nhiều giải pháp đầu tư CNTT hiệu quả với chi phí thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm bắt cơ hội này để trang bị cho mình. Chẳng hạn, công ty Tân cảng Sài Gòn đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý container tại cảng Cát Lái làm giảm được nhiều thời gian chờ đợi, lấy hàng khỏi cảng, góp phần vào việc giải tỏa tắc nghẽn tại cảng này. Vấn đề còn lại là nhận thức được tầm quan trọng và bức thiết của vấn đề, quyết tâm nâng cao trình độ tiếp cận và sử dụng CNTT trong giới quản lý và nhân viên, đồng thời với việc vạch ra một lộ trình triển khai phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.



Hy vọng, trong quá trình thực hiện TPP và các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và vươn ra các thị trường tiềm năng trong khu vực và thế giới, tận dụng được lợi thế và cơ hội của các hiệp định này tạo ra.



Theo báo Giao thộng vận tải.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét