1. Các điều kiện tiên quyết cho Áp dụng thành công Bảo dưỡng Công nghiệp Tiên tiến
Tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp: Thực sự ý thức được tầm quan trọng của Bảo dưỡng Công nghiệp đối với công ty mình và biết cần phải làm gì, vào lúc nào.
Sự nhất quán: Bảo dưỡng Công nghiệp Tiên tiến không đòi hỏi quá nhiều vốn so với tổng đầu tư của doanh nghiệp, nhưng nó đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên và nâng cao trình độ liên tục. Việc dành nguồn lực, nhất là nhân lực, một cách liên tục cho bảo dưỡng là yếu tố quan trọng bậc nhất. Gần giống với việc học ngoại ngữ, bí quyết nằm ở các hoạt động thường xuyên và mọi sự gián đoạn hay tái khởi động đều thu hẹp cơ hội thành công.
Dám tái cấu trúc: Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không có cấu trúc hợp lý để làm Bảo dưỡng Tiên tiến. Điều này là do nhận thức lạc hậu về vai trò Bảo dưỡng và mối quan hệ của nó với sản xuất cũng như với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chỉ khi bảo dưỡng được tổ chức ngang hàng và gắn bó hữu cơ với sản xuất thì nó mới có thể thực sự gọi là Tiên tiến được.
Năng lực con người: Thường thì khi khởi động thực hiện Bảo dưỡng Tiên tiến, các kiến thức và kỹ năng không sẵn có trong đội ngũ của công ty. Điều quan trọng là các cán bộ kỹ thuật nòng cốt của công ty về bảo dưỡng có đủ khả năng tiếp thu và ứng dụng các kiến thức cũng như tích lũy được các kỹ năng cần thiết. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng không quyết định mà chỉ mang tính xúc tác.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bảo dưỡng: Số liệu bảo dưỡng và các thông tin rút ra từ đó ý nghĩa quan trọng như tiền bạc và chính là tiền bạc. Từ các số liệu và thông tin đó, công ty có thể đưa ra các quyết định về tổ chức, quản lý hay tài chính giúp cải thiện các chỉ số PQCDSM. Hệ thống cơ sở dữ liệu có thể được coi như là một điều kiện kỹ thuật, nhưng từ kinh nghiệm của chúng tôi, đây nên được coi là một điều kiện Quản lý và Hành chính bảo dưỡng.
Đầu tư: trong giai đoạn đầu tiên, các công ty chỉ phải đầu tư rất nhỏ để đạt được hiệu quả ban đầu. Nhưng khi đã bước sang giai đoạn phát triển, hiệu quả bảo dưỡng phụ thuộc nhiều vào các khoản đầu tư cần thiết, chẳng hạn cho các thiết bị đo, thu thập số liệu bảo dưỡng và xử lý chúng
2. Cơ sở hạ tầng cần thiết cho Bảo dưỡng Công nghiệp Tiên tiến
Xây dựng các cơ sở hạ tầng dưới đây chính là các điều kiện triển khai thành công Bảo dưỡng Công nghiệp Tiên tiến
a. Điều kiện 1: Quản lý Bảo dưỡng
Quản lý Bảo dưỡng Tiên tiến có thể coi là Quản lý Bảo dưỡng truyền thống kết hợp với bốn yếu tố hiện đại: (1) Phân tích Chức năng; (2) Hiệu suất Tổng thể; (3) Trao đổi thông tin bảo dưỡng, nhất là ứng dụng ICT; (4) Quản lý Tài chính Bảo dưỡng.
- Phân tích Chức năng
Có thể nói rằng, lý thuyết Phân tích chức năng đã có những đóng góp rất đáng kể cho việc nâng cao hiệu quả bảo dưỡng và phát triển các phân ngành của nó. Phân tích chức năng bao gồm nghiên cứu một hệ thống thông qua việc phân chia nó thành các bộ phận chức năng có thể thay thế được. Bộ phận này sẽ không được lớn hơn bộ phận thay thế tiêu chuẩn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến trình tự sắp xếp về kết cấu, không liên quan hoàn toàn đến các mối liên hệ về chức năng. Trình tự ở đây là trình tự về vị trí không gian, chứ không phải về thời gian. Nó không thể hiện chu trình thời gian của quá trình hoạt động.
Phân tích chức năng cho phép đưa ra các mục tiêu cho công tác bảo dưỡng.
1. Đối với một kỹ thuật viên, người có trong tay các công cụ hỗ trợ hiệu quả sẽ có thể kiểm tra bất kỳ hệ thống phức tạp nào, anh ta có thể “lướt” qua các bộ phận của thiết bị và xác định rất nhanh chóng tình trạng làm việc của các bộ phận chức năng khác nhau, cũng như toàn bộ hệ thống làm việc của thiết bị.
2. Đối với nhân viên chịu trách nhiệm bảo dưỡng, người được trang bị các công cụ hiệu quả cho việc tổ chức công việc kỹ thuật của mình, anh ta phải có khả năng quản lý chi phí rõ ràng và chặt chẽ cho công việc.
Do vậy việc phân tích chức năng cho phép:
- Thiết lập các điều kiện làm việc tối ưu cho thiết bị.
- Tìm ra những bộ phận đã hao mòn của các thiết bị.
- Đưa ra được các chỉ báo để giúp cho việc theo dõi quá trình tiến triển các hư hỏng của thiết bị.
- Xác định các dạng và phương pháp bảo dưỡng cần áp dụng cho mỗi bộ phận của thiết bị.
- Đưa ra được kế hoạch bảo dưỡng.
- Phân loại các hồ sơ tài liệu bảo dưỡng và cách tra cứu khi cần thiết.
- Phát triển một kế hoạch bảo dưỡng tốt hơn thông qua các hồ sơ lưu trữ.
- Xác định trình độ và kỹ năng cần có cho việc bảo dưỡng các thiết bị máy móc.
- Xác định và hệ thống hóa toàn bộ hệ thống máy móc của đơn vị hiện có.
- Phân tích và tính toán các chi phí cho công tác bảo dưỡng.
- Quyết định ngân quỹ cho nguyên vật liệu phục vụ công tác bảo dưỡng và theo dõi việc sử dụng chúng.
- Hiệu suất Tổng thể
Quản lý bảo dưỡng là một phần của quản lý nhà máy. Quan điểm quản lý bảo dưỡng hiện đại dựa trên khái niệm về hiệu suất tổng thể. Đây là khái niệm đưa ra để đánh giá hiệu quả thực sự của việc quản lý và sử dụng thiết bị. Sáu loại tổn thất thời gian sử dụng thiết bị được đưa ra và phân loại dưới đây.- Tổn thất thời gian do các sự cố: Điều này có thể được kiểm soát bởi công tác bảo dưỡng hiệu quả và sự tham gia của bộ phận sản xuất.
- Tổn thất thời gian cần cho thay đổi sản phẩm: Khi đó cần thời gian để điều chỉnh lại thiết bị cũng như thay thế các dụng cụ máy móc. Điều này có thể được kiểm soát bởi khâu tổ chức sản xuất tốt hơn và chính sách cải tiến thiết bị máy móc sản xuất.
- Tổn thất thời gian do những lần ngừng máy ngắn: Vệ sinh thiết bị, cung cấp phụ gia và các nguyên liệu phụ, …
- Tổn thất thời gian do chủ ý làm chậm lại: Sản xuất các sản phẩm đặc biệt, sự xuống cấp của một bộ phận máy móc, …
- Tổn thất thời gian do lỗi chất lượng: Đây là kết quả từ việc điều chỉnh thiết bị, các qui trình liên quan đến kiểm soát chất lượng hoặc điều khiển thiết bị.
- Tổn thất thời gian khi khởi động: Trong giai đoạn này dễ xuất hiện các sản phẩm không đạt
- Tổn thất thời gian do các sự cố: Điều này có thể được kiểm soát bởi công tác bảo dưỡng hiệu quả và sự tham gia của bộ phận sản xuất.
- Quản lý Tài chính Bảo dưỡng
Quản lý Bảo dưỡng không thể thiếu quản lý tài chính bảo dưỡng. Có thể nói rằng những tiến bộ của ngành bảo dưỡng đã được khởi nguồn từ việc người ta thay đổi cách nhìn nhận về các chi phí cho bảo dưỡng, đặc biệt là về các chi phí gián tiếp. Khi triển khai Bảo dưỡng Tiên tiến, việc quản lý chi phí dựa trên tình trạng thiết bị chính là cơ sở để đánh giá các chỉ số hiệu quả PQCDSM, cũng như để đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến chiến lược bảo dưỡng và sản xuất.
Có nhiều cách đánh giá tác động tài chính khác nhau cho hoạt động bảo dưỡng máy móc dựa trên hiện trạng. Nhiều công ty phát hiện ra những vấn đề về thiết bị được xác định bằng những thiết bị bảo dưỡng dựa trên tình trạng ngay trong thời gian dừng máy thông thường. Họ so sánh chi phí sửa chữa những trục trặc này với chi phí vận hành của chính cỗ máy ấy trong thời gian trước đó. Những công ty khác hướng tới so sánh thông tin về chi phí sửa chữa với chi phí của các chương trình bảo dưỡng dựa trên tình trạng được áp dụng cho các máy móc ít mang tính then chốt hơn.
Việc phân tích tài chính có thể phản ánh độc lập những mục đích và tiêu chí của mỗi công ty. Tuy nhiên, khi không tính đến phương pháp phân tích, việc phân tích tài chính sẽ thể hiện những đặc điểm chung sau đây:
- Các kết quả phải đo lường và định lượng được.
- Các chi phí và ước tính cần phải được các bên liên quan thống nhất.
- Các kết quả tài chính cần phải được trình lên ban quản lý bằng những thuật ngữ dễ hiểu.
- Lập hồ sơ theo định kỳ về nguồn thu tài chính phải là một bộ phận không thể tách rời của chương trình bảo dưỡng.
Những đặc điểm này được đề cập một cách chi tiết như sau: “Các kết quả phải đo lường và định lượng được.” Điều đó có nghĩa là các chỉ số ROI, NPV hay thời gian hoàn vốn là những chỉ số cần được sử dụng và đánh giá.
Song song với quản lý tài chính dựa trên tình trạng, việc đánh giá hiệu quả đầu tư cho các giải pháp kỹ thuật liên quan đến bảo dưỡng cũng rất quan trọng và là đặc thù của quản lý tài chính bảo dưỡng.
b. Điều kiện 2: Hành chính và hậu cần bảo dưỡng
Các công tác Hành chính và Hậu cần Bảo dưỡng tuy không đòi hỏi nhiều hàm lượng kỹ thuật hay đầu tư lớn, nhưng chúng thực sự đóng vai trò hết sức quan trọng và tạo ra rất nhiều giá trị gia tăng cho hoạt động bảo dưỡng.
Các công tác Hành chính Bảo dưỡng tập trung vào các nội dung:
(1) Quy định vai trò và trách nhiệm cụ thể của các phòng, ban liên quan đến chức năng bảo dưỡng trong công ty, cách thức trao đổi thông tin, sử dụng và chia sẻ nguồn lực, cách thức ra các quyết định liên quan đến kế hoạch và can thiệp bảo dưỡng, cách tiến hành đầu tư thiết bị và kỹ thuật bảo dưỡng...
(2) Thiết lập, cập nhật, phân tích và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu bảo dưỡng: ICT hay truyền thống, cách đánh mã số, tài liệu hóa, thiết lập và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý cơ sở dữ liệu, phân tích chuyên môn và hệ chuyên gia…
(3) Đào tạo và xây dựng năng lực bảo dưỡng, bao gồm đào tạo các kỹ năng thực địa, vận hành, cung cấp lý thuyết, trao đổi kinh nghiệm và khuyến khích các sáng kiến từ cấp công nhân vận hành
Hậu cần Bảo dưỡng: Công tác này tập trung vào quản lý kho thiết bị và phụ tùng dự trữ, các bộ phận mau mòn chóng hỏng, các thiết bị và dụng cụ chẩn đoán, ghi chép số liệu.. Các kỹ thuật được áp dụng phổ biến là FIFO (vào trước ra trước), 5S và ICT. Một số phần mềm chuyên dụng hay giải pháp ICT trọn gói cho công tác quản lý bảo dưỡng, với trung tâm là quản lý hậu cần bảo dưỡng, đã được đưa vào ứng dụng từ những năm 1990. Trong đó đáng kể nhất là các phần mềm quản lý tích hợp được chuyên biệt hóa theo nhu cầu khách hàng của hãng SAP, Đức.
c. Điều kiện 3: Tổ chức Bảo dưỡng
Không có cơ cấu “lý tưởng” nào cho mọi bộ phận bảo dưỡng. Đặc điểm các công ty rất khác nhau, chính vì lẽ đó mà không thể áp dụng một mô hình cho mọi công ty. Một số điểm khác nhau giữa các công ty như:
- Quy mô
- Trang thiết bị
- Phương thức sản xuất
- Sự tham gia của bộ phận sản xuất vào công việc bảo dưỡng
- Các điều kiện sẵn có như: Nguồn nhân lực, hậu cần,...
Trước khi tính toán một cơ cấu bảo dưỡng tối ưu thì nhất thiết phải xem xét diễn biến của mối quan hệ giữa sản xuất và bảo dưỡng. Theo kinh nghiệm tiến hành bảo dưỡng, đối tác chính là bộ phận sản xuất. Trước đây, bộ phận vận hành buộc phải chấp nhận một số hạn chế sản xuất ngắn hoặc trung hạn. Bộ phận Sản xuất chấp nhận một số can thiệp xử lý lỗi nhỏ gây ít điểm bất lợi (như: bôi trơn, thay đổi đầu lọc...). Họ ít nhiều cũng chấp nhận các lần dừng máy do sự cố hỏng xảy ra. Nhưng họ nhất quyết phản đối bất cứ chương trình bảo dưỡng theo kế hoạch nào gây cản trở việc kiểm soát công cụ sản xuất của họ.
Để thúc đẩy việc kết hợp các bộ phận với nhau thì tất cả các bộ phận chính của công ty cần phải được đặt ngang hàng nhau. Bộ phận bảo dưỡng phải có mối liên hệ trực tiếp với ban lãnh đạo công ty. Điều này không triệt tiêu mâu thuẫn và xung đột giữa các bộ phận. Nó phụ thuộc vào việc liệu ban lãnh đạo công ty có tạo được một môi trường phù hợp để các bộ phận hợp tác chặt chẽ với nhau hay không. Điều này có thể đạt được nhờ việc tổ chức các cuộc họp thông báo cho mọi người biết được những hạn chế, mục tiêu và phương pháp để loại bỏ những mâu thuẫn đó. Các cuộc họp này phải là một kênh đối thoại gần gũi, thường xuyên giữa các bộ phận với nhau.
d. Điều kiện 4: Cơ sở Kỹ thuật cho Bảo dưỡng Tiên tiến
Cũng giống như mọi loại hình áp dụng thành tựu khoa học công nghệ khác, bản thân sự tiên tiến của công nghệ không đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thành công về bảo dưỡng hầu hết đều là các đơn vị khai thác hiệu quả các kỹ thuật bảo dưỡng hiện đại bên cạnh việc sử dụng các phương pháp truyền thống.
Các kỹ thuật bảo dưỡng hiện đại cho phép giám sát, chẩn đoán tình trạng thiết bị và đưa ra các đánh giá về nguyên nhân và cách khắc phục hay phòng ngừa, bao gồm:
Các kỹ thuật quan trắc bằng giác quan của người vận hành và cán bộ kỹ thuật bảo dưỡng. Đây là phần đơn giản nhất của các kỹ thuật đo không phá hủy, chỉ sử dụng giác quan của con người với các dụng cụ hỗ trợ (tai nghe, kính chuyên dụng...). Nhờ những kiến thức và kỹ năng thích hợp, một công ty có thể quản lý khá tốt tình trạng thiết bị của mình mà hầu như không phải đầu tư gì. Đây cũng là cách tiếp cận khôn ngoan và hiệu quả nhất đối với các công ty vừa và nhỏ. Với các kỹ thuật này, đầu tư lớn nhất là về đào tạo kiến thức và kỹ năng chẩn đoán cho các cán bộ kỹ thuật bảo dưỡng.
Kỹ thuật đo và phân tích số liệu về dao động máy: Là kỹ thuật áp dụng phổ biến nhất hiện nay.Khoảng 90% chủng loại thiết bị có thể được giám sát và đánh giá bằng kỹ thuật này. Thiết bị đo dao động máy cũng có nhiều loại, từ những máy đa năng cầm tay có giá khoảng 20.000USD đến những thiết bị trực tuyến (online) theo thời gian thực được kết nối với hệ điều khiển tự động có giá đến hàng triệu đô la. Về bản chất, các thiết bị này đo các rung động sinh ra từ sự quay của máy (dao động máy) để phát hiện các vấn đề như mất cân bằng lệch trục, lỗi vòng bi, lỗi động cơ hay cộng hưởng. Việc chuyển đổi tín hiệu dao động từ miền thời gian sang miền tần số, cùng với các phần mềm cài đặt theo máy đo cho phép xử lý các dữ liệu dao động khá đơn giản nhưng rất hiệu quả. Thường thì việc đầu tư các thiết bị đo và giám sát này hoàn vốn sau vài tháng đầu tư với các doanh nghiệp cỡ vừa.
Kỹ thuật quan trắc và phân tích hồng ngoại: Là kỹ thuật rất hiệu quả trong việc phát hiện ra các lỗi kỹ thuật về nhiệt, điện và bôi trơn. Thiết bị quan trắc chính là camera hồng ngoại. Các camera này cũng thường có khả năng chụp ảnh trong dải tần số khả kiến, do vậy cho phép quan sát và chụp hai loại ảnh đồng thời (hồng ngoại và khả kiến). Nhờ đó việc phát hiện và định vị khu vực hỏng rất dễ dàng.
Kỹ thuật siêu âm và âm thanh: Rất hiệu quả trong việc phát hiện các lỗi hỏng về rò rỉ khí hay chất lỏng hoặc các rò rỉ do chênh lệch áp suất. Nguyên lý của các thiết bị đo này là phát hiện
Kỹ thuật phân tích dầu bôi trơn: Về bản chất, đây là các kỹ thuật phân tích mức độ hỏng của dầu bôi trơn, các chất xâm nhiễm và các hạt mài mòn có trong dầu. Các kết quả phân tích cho biết hỏng (chủ yếu là mài mòn do ma sát) phát sinh ở đâu, mức độ mòn đến đâu, các vấn đề về bôi trơn, ma sát và nhiệt. Kỹ thuật này đòi hỏi phải lấy mẫu dầu đúng cách và đưa đi phân tích tại phòng thí nghiệm. Hiện kỹ thuật này ở Việt Nam vẫn chưa phổ biến. Tuy nhiên, rào cản chính nằm ở khả năng làm chủ kỹ thuật chứ không phải ở chi phí đầu tư.
Kỹ thuật đo và giám sát các thông số vận hành hệ thống: Điện áp, cường độ dòng điện, lưu lượng, nhiệt độ, độ dẫn điện, đo mức các loại, khối lượng, tốc độ…Các kỹ thuật này thường kết hợp với công nghệ điều khiển bán tự động hay tự động. Đặc điểm của các hệ thống này là những thông số vận hành rời rạc của hệ thống, được đo bởi các thiết bị khác nhau tại các vị trí khác nhau được kết hợp lại để đưa ra bức tranh tổng thể về “sức khỏe” của cả hệ thống, cũng như của từng thiết bị. Mặt khác, các thông số này được dùng để phục vụ và việc can thiệp vận hành hay vận hành tự động hệ thống. Đặc điểm của hệ thống này là không có sự phân chia rõ ràng giữa sản xuất và bảo dưỡng.
Một cách sử dụng kỹ thuật đo và giám sát thông số hệ thống là đầu tư các thiết bị đo tương đối rẻ, không kết nối vào một hệ thống điều khiển trung tâm. Các thông số đo được lưu trữ và phân tích phục vụ các mục đích khác nhau và tùy thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn và hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Cách này giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, nhưng cũng hạn chế hiệu quả đáng kể và làm tăng sự lệ thuộc vào con người.
Vietsoft là một đơn vị đi đầu trong việc cung cấp giải pháp quản lý thiết bị và bảo trì bằng hệ thống công nghệ thông tin hiện nay tại Việt Nam.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nếu bạn là một doanh nghiệp lớn, đang gặp khó khăn trong việc xây dựng 1 hệ thống quản lý bảo trì hiệu quả lâu dài xin liên hệ chúng tôi theo thông tin:
Điện thoại: 08.38 110 770
Email: sales@vietsoft.com.vn – huydq@vietsoft.com.vn
Website: vietsoft.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét