Ngày 17/8/2009, tại Nhà máy Thủy điện Sayano-shusenskaya
(Nhà máy S.S) thuộc Liên bang Nga đã xảy sự cố nghiêm trọng làm chết 75 người,
phá hủy hầu như toàn bộ các tổ máy và một phần công trình xây dựng. Ðó là bài học
không chỉ cho công tác quản lý trong hệ thống điện lực nước Nga, mà còn cho tất
cả các nước có nhà máy thủy điện nói chung trên thế giới, trong đó có ngành thủy
điện Việt Nam.
Hiện trường tổ máy sau sự cố
1. Diễn biến sự cố
Ngày 16/8/2009
20h20: Xảy ra cháy ở Nhà máy Thủy điện Bratskaya, công suất
6.000 MW đang làm nhiệm vụ điều tần, làm hỏng toàn bộ hệ thống cáp thông tin.
Nhà máy Bratskaya mất liên lạc với điều độ và không thể tiếp tục làm nhiệm vụ
điều tần.
20h31: Điều độ hệ thống ra lệnh chuyển chức năng điều tần
cho Nhà máy SS.
23h14: Tổ máy số 2 Nhà máy SS được đưa vào vận hành cùng 8 tổ
máy khác (trừ tổ máy 6 đang sửa chữa) làm nhiệm vụ điều tần.
Nghiên cứu thông số vận hành các tổ máy trước thời điểm sự cố
cho thấy: Độ rung ổ turbine tổ máy 2 lúc 8h00 ngày 17/8/2009 là 600 µm, lúc
8h13 là 840 µm, tăng 240µm và vượt giá trị quy định là 160µm, công suất giảm từ
600MW xuống còn 475MW.
Ngày 17/8/2009
Tổ máy 2 đang vận hành điều tần, thì đến 8h12 nhận được lệnh
giảm công suất, chuyển qua vùng vận hành II, vùng tổ máy bị rung. Đúng lúc đó
toàn bộ bu lông nắp turbine bị đứt. Dưới áp lực cột nước 194m, toàn bộ gồm nắp
turbine, bánh xe công tác, trục, rotor máy phát và các giá chữ thập bị thổi bay
lên cao, trong khi bay lên, mọi thứ vẫn còn quay, kể cả giá chữ thập, nên đã
tàn phá thiết bị và công trình phía trên, trong đó có mái gian máy trong phạm
vi 3 tổ máy 1-3. Gian máy cũng bị tàn phá nặng nề.
2. Nguyên nhân kỹ thuật và quản lý dẫn đến sự cố:
a. Tình trạng các bu lông nắp turbine.
41 bu lông có vết nứt trước khi sự cố xảy ra từ 5 đến 98% diện
tích mặt cắt. Tính tổng hợp, tiết diện nứt do mỏi chiếm 64,9% toàn bộ bu lông nắp
turbine.
Nghiên cứu nguyên nhân cơ bản dẫn đến phá hủy các bu lông là
sự phát triển các vết nứt mỏi, mức độ phát triển vết nứt có thể đã chiếm đến
95% tổng diện tích chịu lực, có nghĩa là các bu lông đã mất gần hoàn toàn khả
năng chịu lực.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến vết nứt mỏi là tổ máy đã
phải chuyển qua vùng cấm vận hành nhiều lần trong khi tham gia điều tần cấp 1
cho hệ thống. Sự cố xảy ra đúng lúc tổ máy vừa chuyển vào vùng cấm.
b. Chế độ đóng cánh hướng nước.
Có 2 loại điều tốc sử dụng tại Nhà máy SS đều không có cơ cấu
đóng cánh hướng nước khi mất điện tự dùng. Riêng tổ máy số 5, trong sự cố lần
này đã đóng được cánh hướng nước là nhờ tín hiệu báo hỏng bộ điều tốc phát ra sớm,
khi chưa mất điện tự dùng.
c. Không có bộ phận bảo vệ độ rung và độ đảo tác động dừng máy.
Trong vòng 4 tháng đã có 12 lần độ đảo vượt quá trị số cho
phép, 13 phút trước khi xảy ra sự cố, độ rung đã lên đến 600µm và tăng lên
840µm khi sự cố. Tuy nhiên lại không có Rơ le bảo vệ tác động dừng máy..
Theo quy định, kỹ sư chính nhà máy phải ra lệnh giảm tải hoặc
ngừng máy khi độ rung vượt quá 160µm và độ đảo vượt quá 0,5mm. Phân tích số liệu
ghi chép từ 21/4/2009 đến 17/8/2009, độ rung tổ máy 2 đã tăng 4 lần, đạt giá trị
840µm và độ đảo có lúc lên đến 2 mm. Tổ máy đã không được dừng kịp thời và vẫn
vận hành trong nhiệm vụ điều tần cấp 1.
Hiện trường tổ máy sau sự cố
Trong thời kỳ vận hành đầu tiên, đã có nhiều vi phạm kỹ thuật
và tổ máy không hoạt động được. Đặc biệt, độ đảo biến đổi và tăng vượt quá trị
số cho phép, nhiều lần lên đến 2 mm, kèm theo đó độ rung cũng tăng. Ở đây còn
nhiều tồn tại về thiết bị mà Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã yêu cầu sớm phải
khắc phục nhưng đã không được thực hiện theo thời gian quy định.
Tổ máy số 2 đã đưa vào vận hành được 29 năm 10 tháng. (Theo
quy định của nhà chế tạo là 30 năm)
Ngoài những thay thế, bảo dưỡng định kỳ các bộ phận, chi tiết
đã bị hỏng, Ủy ban điều tra nhận thấy, việc đưa thiết bị điều khiển nhóm công
suất hữu công vào vận hành đã không tính đến tình trạng thiết bị thuộc thế hệ
cũ, mặt khác, cũng không được sự thỏa thuận của nhà chế tạo, đặc biệt là, số lần
và thời gian tổ máy làm việc qua vùng cấm vận hành không được quy định rõ ràng.
Ngoài các bu lông bị phá hủy, cũng đã phát hiện 6 bu lông
không bị phá hủy, chứng tỏ các bu lông này đã không có mũ ốc. Đây là sai sót
trong công tác nghiệm thu tổ máy sau đại tu. Thông thường, nhà chế tạo thiết bị
khi xuất xưởng sản phẩm luôn kèm theo biểu đồ đường đặc tính vận hành, trong đó
quy định vùng được phép vận hành thiết bị, vùng cấm vận hành và vùng không nên
vận hành. Tổ máy PO.230/833-B-677 có đường đặc tính vận hành rất hẹp, khi ra khỏi
vùng này tổ máy bị rung mạnh. Khuyến cáo của Hội đồng Nghiệm thu là thay máy
turbine mới đã không được thực thi.
Công tác sửa chữa và phục hồi các thiết bị thủy điện, theo
quy định phải do các đơn vị chuyên ngành thực hiện. Việc nhà máy thủy điện tự
thành lập đơn vị sửa chữa, tuy có đầy đủ các thủ tục pháp lý nhưng chưa có kinh
nghiệm nhiều trong khâu quản lý dẫn đến việc không thực hiện đầy đủ khối lượng
công việc theo đúng quy định đại tu tổ máy. Ví dụ như, thiết bị đo rung không
có chức năng bảo vệ, không có nguồn điều khiển dự phòng, không có nút ấn đóng sự
cố cửa van CNN, không có cơ cấu để bộ điều tốc đóng cánh hướng nước khi mất điện
tự dùng. Sử dụng thiết bị và cáp nguồn, cáp thông tin, kiểm tra là loại không
chống ẩm và bụi,không có phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ.
3. Những bài học về kỹ thuật.
a. Kiểm tra bu lông nắp turbine.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cố Nhà máy SS là gần như
toàn bộ bu lông nắp turbine đã bị nứt do mỏi sau thời gian vận hành xấp xỉ tuổi
thọ quy định của nhà chế tạo (29 năm 10 tháng/30 năm ). Tại Nhà máy Thủy điện
Hòa Bình đã một lần do thủy kích, tổ máy số 2 bị đứt 6 bu lông nắp turbine. Do
đó, kinh nghiệm là sau khoảng 20 năm vận hành, cần kiểm tra các bu lông nắp
turbine và các bu lông khác trên hệ thống đường ống áp lực có bị phá hủy không.
b. Thí nghiệm đường đặc tính vận hành tổ máy.
Trong thí nghiệm chạy thử tổng hợp nhất thiết phải xác nhận
lại đường đặc tính vận hành và nghiêm chỉnh vận hành theo đường đặc tính đó.
Đôi khi do ảnh hưởng tiến độ hoặc do lưới không bố trí được phương thức để thực
hiện theo đường đặc tính, nên một số tổ máy đã bỏ qua.
Công tác khôi phục lại các tổ máy được tiến hành khẩn trương
c. Chế độ đóng cánh hướng nước.
Các tổ máy không có van cầu trước turbine, dự phòng cho cánh
hướng nước là cửa rơi nhanh, nhưng trong trường hợp Nhà máy SS cho thấy, đã
không bảo vệ được tổ máy và thậm chí không bảo vệ được công trình, do đó việc sử
dụng sơ đồ điều tốc nào cũng phải có cơ cấu đóng cánh hướng nước trong tình huống
điều tốc không làm việc hoặc mất điện tự dùng.
d. Chế độ đóng cửa rơi nhanh.
Cửa rơi nhanh CNN thông thường chỉ được đóng khi có sự cố vượt
tốc cao, hoặc vượt tốc bình thường kết hợp tín hiệu không đóng được cánh hướng
nước. Rõ ràng trong trường hợp sự cố tại SS, cửa rơi nhanh đã không đóng. Khi
chạy tổ máy lần đầu, người ta thường làm thêm một nút ấn hạ cửa rơi nhanh khẩn
cấp, nhưng sau khi chạy thử rồi thì lại tháo bỏ. Qua sự cố này cho thấy, cần có
nút ấn khẩn cấp thường xuyên ở buồng điều khiển trung tâm.
e. Chọn các tổ máy làm nhiệm vụ điều tần.
Các tổ máy tham gia vận hành điều tần phải thay đổi công suất
phát liên tục, phải vận hành qua vùng cấm nhiều lần hơn. Do đó, cần phải chọn
những tổ máy mới, có đường đặc tính vận hành tốt hơn. Những nhà máy có tuổi thọ
gần hết cần đặc biệt thận trọng kiểm tra trước khi cho vận hành điều tần.
f. Lắp thiết bị giám sát độ rung và độ đảo trực tuyến có chức
năng bảo vệ.
Sau khi xảy ra sự cố nhà máy SS, đã xác định được nhiều thiếu
sót trong khâu thiết kế chế tạo, sơ đồ điều khiển, giám sát thiết bị. Đối với
các nhà máy đang vận hành cũng như nhà máy mới, nhất thiết phải có bộ phận bảo
vệ độ rung và độ đảo tác động dừng máy tự động.
4. Những bài học về quản lý.
a. Nghiêm chỉnh chấp hành chế độ kiểm tra kỹ thuật.
Cần quy định rõ ràng trách nhiệm định kỳ kiểm tra thông số vận
hành thiết bị và đưa ra những quyết định kịp thời.
b. Tổ chức công tác đại tu.
Khối lượng công tác đại tu phải được quy định rõ ràng, đầy đủ.
Đơn vị có đủ tư cách pháp nhân, có giấy phép hành nghề mới được tiến hành công
việc đại tu thiết bị nhà máy thủy điện.
c. Kiểm soát các văn bản của các nhà máy sau cổ phần hóa.
Sau khi cổ phần hóa, một số đơn vị có xu hướng soạn lại các
tiêu chẩn, quy định kỹ thuật để có lợi cho công việc, cần có quy chế giám sát
công việc này, để những thay đổi đó không làm giảm yêu cầu an toàn cho công tác
quản lý kỹ thuật.
d. Kiểm tra tổng thể.
Với những tổ máy đã hết tuổi thọ quy định, nhất thiết phải
có chương trình kiểm tra tổng thể, từ đó đưa ra quyết định kéo dài thời gian vận
hành, hoặc thay thế bằng tổ máy mới trên cơ sở phân tích một cách khoa học.
Sau khi có biên bản tổng nghiệm thu, tổ máy đưa vào vận hành
chính thức phải kèm theo bảng thống kê những tồn tại cần sớm khắc phục và có
quy chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc việc khắc phục những tồn tại đảm
bảo đúng chất lượng và thời gian quy định.
Đồng thời việc quản lý lịch sử vận hành, công tác bảo trì máy móc thiết bị, ghi nhận tình trạng máy móc thiết bị cần được thực hiện 1 cách tự động thông qua các hệ thống phần mềm quản lý bảo trì thiết bị CMMS Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót trong công tác vận hành bảo trì do yếu tố con người gây ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét