LINK ANH

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Lợi và hại khi triển khai hệ thống ERP trong doanh nghiệp

Bạn có biết, việc triển khai một hệ thống ERP đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư từ phía doanh nghiệp, từ việc chuẩn hóa quy trình sản xuất kinh doanh, cho đến nguồn lực, tư tưởng, định hướng kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Nguồn lực ở đây là chi phí, ngân sách, nguồn nhân sự có năng lực để tham gia triển khai và sử dụng hệ thống, và quỹ thời gian của doanh nghiệp. Do vậy, rủi ro và khó khăn khi triển khai sẽ xảy ra, nhưng lợi ích mà ERP mang lại cho doanh nghiệp là điều không thể không nói đến.
 

1. Lợi ích khi triển khai hệ thống ERP trong doanh nghiệp 

Lợi ích đầu tiên và lâu dài phải nói đến của ERP là việc tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh, giúp chuẩn hóa và tăng hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc sử dụng tích hợp ERP thay cho nhiều phần mềm rời rạc giúp giảm thiểu chi phí, thời gian triển khai. Bên cạnh đó, việc sử dụng tập trung trên một hệ thống giúp tiết kiệm thời gian nhập liệu của người dùng, đồng thời cũng ít xảy ra sai sót do dữ liệu có tính kế thừa và liên kết nhau, được kiểm soát chặt chẽ bởi những quy trình và thuật toán sẵn có tích hợp trong hệ thống ERP.

Do dữ liệu được ghi nhận và cập nhật theo thời gian thực nên hệ thống ERP giải quyết rất tốt bài toán bảo mật, tập trung và độ chính xác kịp thời của dữ liệu tại thời điểm xác định. 



Lấy ví dụ, nhân viên A tại cửa hàng thời trang PT2000 thực hiện thao tác tạo đơn hàng nhập kho 500 sản phẩm áo thun về chi nhánh Bình Dương, lúc 8h00 ngày 28-02-2017, anh A kiểm tra kho còn tồn 1000 cái áo thun Nam mã TL và thực hiện Order. Tuy nhiên, cũng tại lúc này anh B ở chi nhánh Quận 1 tạo đơn hàng 800 sản phẩm áo thun TL này nhập kho về chi nhánh Quận 1, anh B kiểm tra kho vẫn thấy tồn kho 1000 sản phẩm này và tiếp tục Order. Thử nghĩ xem, nếu hệ thống không kịp thời ghi nhận đơn hàng của nhân viên A ngay khi anh này vừa ghi nhận vào hệ thống, thì việc gì sẽ xảy ra? ERP giải quyết bài toán này như sau: ngay khi anh A ghi nhận đơn hàng, hệ thống lưu lại lịch sử thao tác (thời điểm anh A tạo và gửi đơn đặt hàng), đồng thời ngay lập tức ghi nhận vào hệ thống đơn hàng này, giảm lượng tồn kho và cảnh báo không đủ hàng với đơn hàng thứ hai của nhân viên B, tránh tình trạng hàng trong kho đã hết nhưng vẫn ghi nhận đơn hàng của khách hàng. 

Một đặc điểm nổi bật của ERP là tính linh hoạt, tùy biến, dễ dàng nâng cấp, mở rộng. Nhu cầu của doanh nghiệp thay đổi từng ngày, nên yêu cầu chỉnh sửa hệ thống cho phù hợp là rất cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, độ rủi ro của việc chỉnh sửa bị phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và giải pháp của từng đơn vị triển khai.

ERP giúp các thông tin quản trị trong doanh nghiệp chính xác và đáng tin cậy hơn, hỗ trợ rất nhiều cho các chủ doanh nghiệp trong việc ra quyết định và xác định hướng đi tương lai cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ERP còn giúp các doanh nghiệp kiểm soát tốt chi phí và các nguồn lực hiện có, nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng giám sát nội bộ.

Khả năng triển khai trên diện rộng, đáp ứng công tác quản lý nhiều ngành nghề, mô hình kinh doanh, và có thể triển khai cho nhiều chi nhánh, quốc gia trên toàn thế giới.

Nếu chỉ nói đến những lợi ích, hệ thống ERP thật sự rất đáng để đầu tư. Tuy nhiên, cũng cần phải kể đến những rủi ro tiềm ẩn khi triển khai. Nếu không đánh giá đúng và đủ, đầu tư vào một hệ thống ERP sẽ khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và nguồn lực. 

2. Khó khăn, rủi ro khi triển khai hệ thống ERP trong doanh nghiệp 

Một dự án ERP trung bình, mức giá đầu tư cũng lên đến khoảng hơn 100.000 USD, đây là một con số đáng để các doanh nghiệp cân nhắc. Thông thường, chỉ các doanh nghiệp lớn, kinh phí đầu tư cao và thời gian hoàn vốn tương đối nhanh mới dám mạnh dạn đầu tư hệ thống,
 

Điểm thứ hai chúng ta đề cập đến là trình độ quản lý của một số doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, quy trình còn phức tạp. Với các doanh nghiệp như vậy, ERP thường phải chỉnh sửa cho tương thích với quy trình kinh doanh của họ một cách gượng ép, thậm chí trái với logic của hệ thống, dẫn đến khá nhiều rủi ro sau này.

Một nguyên nhân nữa đến từ phía nhà cung cấp giải pháp, có quá ít chuyên gia có trình độ giỏi và kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và triển khai ERP. Ở Việt Nam, các nhà cung cấp trong nước còn quá ít kinh nghiệm và chưa đủ uy tín, nên chưa đủ khả năng tư vấn quy trình nghiệp vụ cho doanh nghiệp mà chỉ mới dừng lại ở mức triển khai.


 
ERP đòi hỏi việc thay đổi quy trình đã cũ kỹ của một số doanh nghiệp, nhằm cải thiện hiệu suất. Nhưng việc này vấp phải sự phản đối của đội ngũ nhân viên lâu năm, và đã sử dụng quen thuộc quy trình cũ. 

Trên đây là một số lợi ích và khó khăn khi triển khai hệ thống ERP trong doanh nghiệp. Các nhà quản trị cần xem xét nhu cầu thực sự của công ty, định hướng lâu dài, nguồn lực sẵn có của mình để ra quyết định có nên triển khai ERP không, đồng thời có thể lựa chọn cho doanh nghiệp giải pháp phù hợp nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét