LINK ANH

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Xu hướng ERP - Kỳ 2: tình hình kinh tế & thị trường ERP 2015

 Các doanh nghiệp ngày càng hướng tới những giải pháp ERP hỗ trợ tốt nhất cho ngành nghề của họ. Giá trị lớn nhất mà giải pháp ERP mang đến cho doanh nghiệp là quy trình, kinh nghiệm quản trị và các best-practice trong nghiệp vụ, khả năng về nghiệp vụ là yếu tố bắt buộc phải xem xét khi một doanh nghiệp muốn ứng dụng ERP. 

Không có một mô hình ERP chung cho mọi doanh nghiệp. Mỗi hệ thống ERP cần được xây dựng dựa trên yếu tố ngành nghề, các điều kiện thuận lợi và khó khăn đặc thù, cơ cấu tổ chức, quy mô và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.






Hướng chuyên ngành sẽ là xu hướng phát triển của ERP

 Ngành nghề là yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc xây dựng một hệ thống ERP. Quản trị tài chính là cấu phần lõi trong hầu hết các hệ thống ERP. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, hệ thống ERP bao gồm quản trị tài chính doanh nghiệp tích hợp với hệ thống nghiệp vụ lõi (core banking, core insurance…). Đối với các doanh nghiệp thương mại như bán buôn, bán lẻ, hệ thống ERP phải bao gồm quản trị tài chính, quản trị kho hàng, quản trị mua hàng và bán hàng. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ cần thêm phân hệ quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, và quản trị nhà xưởng – thiết bị…

Bên cạnh đó, những yếu tố đặc thù về kinh doanh và quản lý của các doanh nghiệp cũng kéo theo nhu cầu về ERP khác nhau. Các doanh nghiệp có số lượng khách hàng lớn (ví dụ khách hàng đại chúng) luôn cần có hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM). Nó cung cấp cho họ đầy đủ thông tin 360 độ về khách hàng, giúp họ vận hành hiệu quả các quy trình nghiệp vụ giao dịch với khách hàng từ marketing đến quản lý bán hàng và dịch vụ hỗ trợ. 

Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần CRM để quản lý các dịch vụ công với nhân dân, doanh nghiệp và đối tác. Hệ thống thông tin quản trị (Business Intelligence – BI) cũng là một hệ thống lõi mà hầu hết cơ quan quản lý công cần có để tổng hợp thông tin từ nhiều cơ sở, khai thác hiệu quả khối dữ liệu lớn có được, lập báo cáo – phân tích và thực hiện công tác quản lý – điều hành vĩ mô.Với các doanh nghiệp có mô hình tập đoàn hoặc tổng công ty đa ngành, hệ thống ERP tổng thể cho doanh nghiệp bao gồm hai lớp phục vụ hai mức độ quản trị: lớp quản trị tập đoàn và lớp quản trị đặc thù của các đơn vị thành viên. Lớp quản trị tập đoàn gồm những quy trình nghiệp vụ xuyên suốt toàn doanh nghiệp hay hỗ trợ quản trị hợp nhất ở mức độ tập đoàn, ví dụ quản trị tài chính, quản trị nhân sự, và hệ thống báo cáo tổng hợp (BI). Lớp quản trị ở các đơn vị thành viên gồm những quy trình nghiệp vụ phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh đặc thù như bán hàng, sản xuất, quản lý dự án, quản lý khách hàng…

Một hệ thống ERP tổng thể có thể bao phủ mọi quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống như vậy, cần có một lộ trình. Ưu tiên làm ERP với cấu phần nào trước, cấu phần nào sau phụ thuộc vào các điều kiện về thuận lợi, khó khăn và kế hoạch kinh doanh cụ thể của từng doanh nghiệp. Có thể hai doanh nghiệp bán lẻ cùng kinh doanh các mặt hàng giống nhau với quy mô tương tự, song một bên cần ưu tiên quản lý chặt chẽ về tài chính trên toàn chuỗi, bên kia lại đang khó khăn trong việc điều hành trung tâm phân phối. Do vậy lộ trình làm ERP của hai doanh nghiệp này không thể giống nhau.

ERP cho mỗi doanh nghiệp được xây dựng trên điều kiện nghiệp vụ đặc thù của doanh nghiệp đó. Hiệu quả hệ thống ERP mang lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của nhà triển khai. Năng lực triển khai ERP bao gồm khả năng tư vấn theo ngành nghề, năng lực công nghệ và năng lực hỗ trợ. Năng lực tư vấn theo ngành nghề được nhà triển khai tích luỹ qua nhiều dự án trong cùng ngành. Ví dụ một nhà triển khai có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng sẽ triển khai dự án mới cho một ngân hàng nhanh hơn với rủi ro thấp hơn. Kinh nghiệm về nghiệp vụ cung cấp các best-practice, không chỉ best-practice tích hợp trong giải pháp mà còn các best-practice được nhà triển khai đúc rút từ hiểu biết trong môi trường kinh doanh nội địa và yếu tố nghiệp vụ áp dụng tại các doanh nghiệp mà họ đã triển khai.

Hệ thống ERP không đứng riêng một mình. Thường có yêu cầu tích hợp để hệ thống quản trị mới của doanh nghiệp kế thừa những hệ thống đã đầu tư từ trước hoặc liên kết với những hệ thống nghiệp vụ khác, ví dụ tích hợp giữa ERP với core banking trong ngân hàng hay ERP với POS trong doanh nghiệp bán lẻ. Tích hợp là công việc phức tạp, đòi hỏi năng lực công nghệ rất cao từ nhà triển khai. Ngoài kỹ năng lập trình, họ phải nắm được các nền tảng công nghệ, giải pháp bảo mật và luồng thông tin trong nghiệp vụ.

(Theo VungtauHR, Theo Hữu Văn- Chungta)